Tìm hiểu về Agile và Phát triển phần mềm theo phương pháp Agile

Home  /  Tin tức / Tìm hiểu về Agile và Phát triển phần mềm theo phương pháp Agile

Tìm hiểu về Agile và Phát triển phần mềm theo phương pháp Agile

Ngày nay, phương pháp Agile Scrum đã rất phát triển, được sử dụng rộng rãi và đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp lớn trên thế giới như Facebook, Microsoft, Apple, Amazon,… Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng phương pháp Agile trong thực tiễn.

Với việc thành công triển khai và áp dụng phương pháp Agile trong tất cả các dự án phát triển phần mềm, VietSoftware International đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu để nâng cao năng lực nguồn nhân lực cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.

Agile là gì?

Agile (dịch nghĩa: nhanh nhẹn, linh hoạt) có thể được hiểu là khả năng tạo và phản hồi với sự thay đổi. Đây là một triết lý, một phương pháp tư duy mới để thành công trong một môi trường đầy biến động.

Mặc dù có xuất phát điểm trong lĩnh vực phát triển phần mềm, ngày nay, triết lý Agile được ứng dụng rộng rãi và thể hiện giá trị trong nhiều lĩnh vực như: Quản lý dự án (Agile Project Management), Nhân sự (Agile HR và Agile People), Marketing (Agile Marketing), Quản trị và Lãnh đạo (Agile Management & Agile Leadership), Sản xuất (Agile Manufacturing), Giáo dục (EduScrum & Agile Classroom), Khởi nghiệp (Lean Startup), Thiết kế (Lean UX, Design Thinking), Gia đình (Agile Family), Cá nhân (Personal Kanban & Agile Mindset).

Phát triển phần mềm linh hoạt (Agile software development)
phương pháp agile

Phát triển phần mềm linh hoạt (Agile Software Development) là một thuật ngữ chỉ tất cả các kỹ thuật và phương pháp phát triển phần mềm theo triết lý Agile. Phương thức này khuyến khích sự thay đổi trong quá trình phát triển dự án để đưa sản phẩm đến tay người dùng một cách nhanh nhất.

Trong bối cảnh ngành phần mềm gặp nhiều khó khăn với phương thức phát triển phần mềm truyền thống, tháng 2 năm 2001, 17 nhà phát triển phần mềm đã gặp nhau ở một khu nghỉ mát tại bang Utah để thảo luận phương pháp phát triển phần mềm mới. Họ đã đưa ra Bản tuyên ngôn Agile cho Phát triển phần mềm linh hoạt như sau:

  • Cá nhân và sự tương tác hơn là quy trình và các công cụ
  • Phần mềm chạy được hơn là tài liệu đầy đủ
  • Hợp tác với khách hàng hơn là đàm phán dựa theo hợp đồng
  • Đáp ứng với các thay đổi hơn là làm theo kế hoạch đã định

Mặc dù các mục bên vế phải vẫn có giá trị, tuy nhiên các mục bên vế trái được đánh giá cao hơn trong mô hình phát triển Agile.

12 nguyên tắc Phát triển phần mềm Agile

Từ Bản tuyên ngôn Agile các nhà phát triển phần mềm đã đưa ra 12 nguyên tắc nhằm hỗ trợ thực hành và vận dụng nguyên tắc trong thực tiễn: 

  1. Ưu tiên sự hài lòng của khách hàng thông qua việc đem lại các phần mềm giá trị một cách nhanh chóng và liên tục.
  2. Luôn hoan nghênh các yêu cầu thay đổi, ngay cả trong giai đoạn cuối của dự án.
  3. Cung cấp phần mềm hoạt động được thường xuyên (hàng tuần thay vì hàng tháng)
  4. Nhà kinh doanh và nhà phát triển phải hợp tác chặt chẽ, làm việc cùng nhau liên tục trong suốt dự án.
  5. Dự án phần mềm cần được xây dựng bởi các cá nhân có động lực, những người đáng tin cậy.
  6. Đối thoại trực tiếp là phương pháp giao tiếp tốt nhất.
  7. Phần mềm hoạt động được chính là thước đo tiến độ.
  8. Phát triển bền vững, có thể duy trì một tốc độ không đổi.
  9. Luôn chú ý đến các kỹ thuật mới và thiết kế tốt.
  10. Sự đơn giản – nghệ thuật của việc tối đa hóa lượng công việc chưa hoàn thành – là điều cần thiết.
  11. Các kiến trúc, yêu cầu và thiết kế tốt nhất sẽ được làm ra bởi các nhóm tự tổ chức.
  12. Thường xuyên phản ánh việc làm thế nào để nhóm làm việc hiệu quả hơn và điều chỉnh cho phù hợp.

Tìm hiểu thêm về bản gốc của tuyên ngôn Agile tại đây

Các phương pháp phát triển phần mềm Agile phổ biến

Trong khi Agile định nghĩa các giá trị cốt lõi và nguyên tắc định hướng, có nhiều phương pháp cụ thể được triển khai theo mô hình Agile. Cùng điểm qua một số phương pháp Agile phổ biến hiện nay:

  • Scrum: Là một khung làm việc (framework) để phát triển bền vững các sản phẩm phức tạp. Có thể nói Scrum là một trong những phương pháp Agile quan trọng và phổ biến nhất sử dụng cơ chế lặp (iterative) và tăng trưởng (Incremental) để tối ưu hóa hiệu quả cũng như kiểm soát rủi ro. 
  • Kanban: là một phương pháp Agile dựa trên Phương thức Sản xuất Toyota với bốn nguyên lý: Trực quan hóa công việc, giới hạn công việc đang làm, tập trung vào luồng làm việc, cải tiến liên tục. Mô hình Kanban phù hợp cho việc hỗ trợ sản xuất trong quá trình làm việc. 
  • Scrumban: là một phương pháp được Corey Ladas giới thiệu vào năm 2009 trong cuốn sách với tựa đề “Scrumban – Essays on Kanban Systems for Lean Software Development”. Scrumban kết hợp được những ưu điểm của Scrum và Kanban để cho phép nhóm liên tục cải tiến quy trình và khả năng xử lý công việc.
  • Lean Software Development (LSD) – Phát triển phần mềm tinh gọn:  là hình thức áp dụng Tư duy tinh gọn (Lean Thinking) và các nguyên lý đặc trưng của Tinh gọn (xuất phát từ ngành sản xuất ô tô – Lean Manufacturing) cho lĩnh vực phát triển phần mềm. Bảy nguyên lý diễn giải tư duy Tinh gọn bao gồm: Loại bỏ lãng phí, Khuếch trương việc học, Quyết định càng muộn càng tốt, Chuyển giao càng nhanh càng tốt, Trao quyền cho nhóm, Tạo ra tính toàn vẹn tự thân, Thấy toàn cảnh là linh hồn cho quá trình phát triển phần mềm tinh gọn.
  • XP (Extreme Programming) – Lập trình cực hạn: XP hướng đến việc nâng cao chất lượng phần mềm và khả năng đáp ứng với thay đổi yêu cầu người dùng. XP chủ trương đưa ra các bản phát hành thường xuyên thông qua các chu trình phát triển ngắn. Một số các thực hành của XP như:  Lập trình cặp (Pair programming), Tái cấu trúc mã nguồn (Refactoring), Kiểm thử đơn vị (Unit Testing), Tích hợp liên tục (Continuous Integration), Các bản phát hành nhỏ (Small Release)….

Theo khảo sát của VersionOne năm 2020, phương pháp Scrum thuộc loại phổ biến nhất bởi sự hiệu quả và tối ưu của nó. Theo đó, Scrum và các phương pháp lai với Scrum như Scrumban, Scrum và XP chiếm gần ¾ tỉ lệ áp dụng các phương pháp Agile.

Ưu điểm của Phát triển phần mềm linh hoạt

Có thể thấy phương pháp phát triển phần mềm Agile được tạo ra nhằm thay thế cho phương pháp theo mô hình truyền thống (Waterfall) với các ưu điểm không thể phủ nhận. Theo khảo sát của VersionOne năm 2020 về việc triển khai Agile đã cho thấy có sự cải thiện đáng kể, trong đó đa số doanh nghiệp cho biết lý do áp dụng Agile là Khả năng quản lý sự thay đổi về mức độ ưu tiên (70%), tiếp theo đó là Khả năng theo dõi dự án (65%) và Sự liên kết giữa người kinh doanh và nhà phát triển (65%).

Các lý do ứng dụng phương pháp phát triển phần mềm Agile khác được báo cáo đề cập bao gồm: Tốc độ/thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; Nâng cao năng suất, tinh thần làm việc nhóm; Giảm thiểu rủi ro dự án; Nâng cao chất lượng phần mềm; và Giảm chi phí dự án…

Dựa trên các lý do trên, có thể thấy, phương pháp phát triển phần mềm Agile có các ưu điểm sau:

  • Linh hoạt hơn: Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, việc dễ dàng thay đổi và đáp ứng các yêu cầu mới của khách hàng và thị trường là vô cùng cần thiết. Phát triển phần mềm linh hoạt giúp chúng ta tiếp nhận sự thay đổi một cách nhẹ nhàng, tích cực, và linh hoạt hơn.
  • Sáng tạo hơn: Dựa vào đặc tính linh hoạt, Agile luôn thôi thúc các cá nhân và nhóm làm việc chủ động hơn, để từ đó sáng tạo và không ngại vượt qua những “vòng an toàn” của chính mình.
  • Năng suất cao hơn: Bài toán về năng suất luôn là một bài toán khó. Khi tìm hiểu về Agile, bạn sẽ được tiếp cận với các tư duy rất mới như vòng lặp, lập kế hoạch ngắn hạn, điều phối nhóm Scrum, giải quyết vấn đề để giảm rủi ro, tiết kiệm nguồn lực, làm việc ít hơn, hiệu quả cao hơn.

Tìm hiểu thêm về dịch vụ Phát triển phần mềm và Tích hợp hệ thống theo phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt Agile xin liên hệ:

VIETSOFTWARE INTERNATIONAL

Hotline: (+84)24 3 728 0366

Email: contact@vsi-international.com

Facebook: https://www.facebook.com/VSIIproducts/

Chúc mừng VietSoftware International chính thức trở thành đối tác của Red Hat và nhận Chứng chỉ cho nền tảng micrOak

Sau quá trình làm việc tích cực và thông qua các bài kiểm tra hệ thống nghiêm ngặt từ Red Hat, tháng 3 này, VietSoftware International đã chính thức trở thành một trong các Đối tác công nghệ (Technology Partner) của Red Hat với chứng chỉ dành cho micrOak.

Read More »

Hướng dẫn tạo tài khoản Zalo OA gửi phiếu lương, phiếu thu đơn giản

Phần mềm emPL là một công cụ đơn giản mà hiệu quả giúp các doanh nghiệp trong việc gửi phiếu lương, phiếu thu hàng tháng qua email hoặc Zalo. Để có thể sử dụng tính năng gửi qua Zalo, người dùng cần có tài khoản Zalo OA. Sau đây VSII xin hướng dẫn bạn đăng ký Zalo OA một cách đơn giản nhất.

Read More »